LỜI NÓI ĐẦU
Sách giáo khoa Ngữ văn 7 tiếp tục được biên soạn theo Chương trình Trung học Cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 03/2002/QĐ – BGD & ĐT, ngày 24 tháng 1 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lời nói đầu của sách giáo khoa Ngữ văn 6, tập một đã trình bày những hướng cải tiến chung của Chương trình và nét cải tiến nổi bật nhất của Chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ văn Trung học cơ sở. Ở đây, chỉ nhắc lại vài điểm cốt yếu và nếu thêm một số điểm riêng của sách giáo khoa Ngữ văn 7.
Làm quen với việc học môn Ngữ văn theo hướng tích hợp đòi hỏi phải có thời gian. Qua một năm học, các em đã tích luỹ được những kinh nghiệm ban đầu. Trước mắt, điều mà các em cần lưu ý nhất trong phương pháp học tập vẫn là kết hợp việc học tập, rèn luyện các tri thức, kĩ năng ở cả ba phần Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn với nhau cho thật tốt.
Phương châm biên soạn, nội dung cụ thể cũng như cấu trúc của sách giáo khoa đã tạo điều kiện để thầy, cô giáo tổ chức hoạt động học tập cho các em trên lớp cũng như ở nhà. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản quyết định kết quả học tập vẫn là quyết tâm tự học của mỗi người.
Chương trình Ngữ văn lớp 7 có một số điểm mới so với chương trình Văn - Tiếng Việt – Tập làm văn lớp 7 trước đây. Về phần Tập làm văn, các em chủ yếu sẽ học hai kiểu văn bản biểu cảm và nghị luận. Về phần Văn, các em sẽ được tiếp xúc nhiều với thơ văn trữ tình, trong đó có không ít tác phẩm viết bằng chữ Hán ở thời trung đại, và một số tác phẩm văn chương nghị luận. Đọc - hiếu được thơ văn trữ tình và tác phẩm văn chương nghị luận không phải là dễ, viết văn biểu cảm và nghị luận cũng có mặt khó hơn văn tự sự và miêu tả – hai kiểu văn bản các em đã được học ở môn Tiếng Việt Tiểu học và Ngữ văn 6. Tuy nhiên, sự bố trí phù hợp giữa thế loại văn học và kiểu văn bản như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và rèn luyện ở cả hai phần Văn và Tập làm văn. Về phần Tiếng Việt, các em sẽ học một số kiến thức và rèn luyện một số kĩ năng về cấu tạo từ (từ ghép, từ láy), về từ vựng (từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm, thành ngữ), về từ loại (đại từ, quan hệ từ), về cú pháp (trạng ngữ, rút gọn câu, câu bị động,...), về tu từ (điệp ngữ, chơi chữ) và về chuẩn mực sử dụng từ. Các em cần thường xuyên liên hệ với những kiến thức về Tiếng Việt đã được học ở bậc Tiểu học, đặc biệt cần chú ý vận dụng những kiến thức về Tiếng Việt vào việc đọc - hiểu các tác phẩm văn học và viết các bài tập làm văn. Sách giáo khoa Ngữ văn 7 tiếp tục cung cấp 50 yếu tố Hán Việt, trong đó có một số yếu tố vốn là từ Hán được dùng trong nguyên văn các văn bản chữ Hán ở những tác phẩm được học. Hai giờ lí thuyết về từ Hán Việt ở học kì I cung cấp cho các em một số kiến thức cơ bản về từ Hán Việt, tạo điều kiện cho các em hiểu được sắc thái biểu cảm của từ Hán Việt và bước đầu biết sử dụng đúng từ Hán Việt.
Hi vọng rằng sách giáo khoa Ngữ văn 7 sẽ xứng đáng là người bạn đường đáng tin cậy của các em trên con đường chiếm lĩnh những kiến thức cơ bản và rèn luyện những kĩ năng cần thiết của bộ môn.
TM. Nhóm biên soạn
Tổng Chủ biên
NGUYỄN KHẮC PHI